CÁC LOÀI CAM Ở VIỆT NAM – THÀNH PHẦN VÀ TÁC DỤNG

CÁC LOÀI CAM Ở VIỆT NAM – THÀNH PHẦN VÀ TÁC DỤNG

  1. Giới thiệu chung về cam

Cam là cây ăn quả lâu năm, cùng họ với bưởi, có quả nhỏ hơn quả bưởi, vỏ mỏng, khi chín thường có màu da cam hoặc xanh bóng, sinh trưởng rất tốt ở điều kiện khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới để cho quả ngọt. Cam thuộc giới Plantae, bộ Sapindales thuộc họ Cam (Rutaceae), chi Citrus. Loài cam là một cây lai được trồng từ xa xưa, có thể lai giống giữa loài bưởi (Citrus maxima) và quýt (Citrus reticulata) [16]. Đây là cây nhỏ, cao đến khoảng 10m, có cành gai và lá thường xanh dài khoảng 4-10 cm, vị có thể biến đổi từ ngọt đến chua. Cam thường lột vỏ và ăn lúc còn tươi, hay vắt lấy nước. Cam bắt nguồn từ Đông Nam Á, có thể từ Ấn Độ, Việt Nam hay miền nam Trung Quốc.

Tổng hợp các loại cam phổ biến trên thị trường Việt Nam hiện nay

Hình ảnh quả cam (Nguồn: eastseanest)

Trái cây họ cam quýt nói chung và cam nói riêng là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới, với sản lượng nông nghiệp trên toàn thế giới đạt hơn 100 triệu tấn mỗi năm. Loài cây này được trồng rộng rãi ở những nơi có khí ấm áp đặc biệt ở vùng nhiệt đới và vùng cận nhiệt đới và một số quốc gia thuộc lưu vực Địa Trung Hải như Úc, California, Florida và Nam Phi.

  1. Phân loại các loài cam

Cam quýt thuộc họ Rutaceae (có khoảng 130 giống), họ phô Aurantioideae (có khoảng 33 giống), tộc phô Citrinae. Việc phân loại các giống trong họ phô Aurantioideae hiện nay là do W.T.Swingle (Swingle và Reece, 1967) [21]. Tộc phô Citrinae có khoảng 13 giống, trong đó có 6 giống quan trọng là: Citrus, Poncirus, Fortunella, Erenmocitrusm, Microcitrus và Clymenia. Đặc điểm chung của 6 giống này là cho trái có con tép (phần ăn được ở trong múi) với cuống thon nhỏ mọng nước.

  1. Các loài cam tại Việt Nam

Việt Nam có thể được coi là một trong những trung tâm đa dạng cao với nhiều giống cam bản địa quý. Ở nước ta các giống cam chủ yếu được đặt tên theo vùng, miền trồng như cam Xã Đoài, cam Cao Phong, cam Vinh, cam Vân Du, cam Sông Con, cam Mường Pồn,… hoặc dược gọi trên theo đặc điểm từng loại như cam sành, cam mật,… Tùy thuộc vào điều kiện địa lý, khí hậu của từng nơi để phát triển mỗi giống cam khác nhau. Một số giống cam được trồng phổ biến ở nước ta gồm: [1], [4]

  • Cam Xã Đoài

Là giống cam có nguồn gốc ở vùng Nghi Lộc – Nghệ An, chịu hạn tốt, chịu đất xấu, đất ven ven biển. Giống cam này có lá màu xanh đậm, hình thái lá thuôn dài, cành có gai, lá đứng, eo lá rộng. Cam Xã Đoài thích ứng rộng, có 2 dạng quả: dạng có quả tròn và dạng có quả tròn dài. Dạng có quả tròn dài cho năng suất cao hơn, trọng lượng quả trung bình 180 – 200g, hương vị thơm ngon nhưng có nhược điểm là nhiều hạt, xơ bã nhiều.

  • Cam sành

Cam sành là một giống cây ăn quả thuộc chỉ cam chanh có quả gần như quả cam, có nguồn gốc từ Việt Nam. Cam sành được gắn nhiều tên khoa học khác nhau như Citrus nobilis, Citrus reticulata, hay Citrus sinensis, trên thực tế nó là giống lai tự nhiên giữa C. reiculata và C. sinensis. Quả cam sành rất dễ nhận ra nhờ lớp vỏ dày, sần sùi giống bề mặt mảnh sành, các múi thịt có màu cam, nhiều nước, hương vị chua ngọt. Chu kỳ khai thác 10 – 15 năm. Cam sành nước ta hiện trồng chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ,…

  • Cam Vinh

Cam Vinh – đặc sản Nghệ An được trồng trên chất đất đỏ của vùng miền Tây Nghệ An và được thừa hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt về khí hậu và thời tiết đặc trung đè cho ra những trái cam ngon nổi tiếng.Cam Vinh thuộc chi cam chanh, quả tròn đều, nhỏ, nhiều nước, ít hạt, màu xanh vàng đều, vỏ mỏng, thường bị nám, thơm có vị ngọt thanh, đậm đà. Màu vàng của cam Vinh là màu vàng tươi chanh pha với màu xanh, chứ không phải màu vàng da cam. Kể cả phần tép cam cũng vàng nhẹ không phải màu vàng cam.

  • Cam Cao Phong

Loại cam nổi tiếng ở thị trấn Cao Phong – Hòa Bình. Cam Cao Phong bao gồm 4 giống: cam CS1 (cam lòng vàng), cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh. Trong đó, giống cam Xã Đoài là được di thực và trồng tại Cao Phong. Cam Cao Phong nổi tiếng bởi vị ngọt thanh, thơm đặc trưng, vỏ mỏng, màu vàng xanh. Cam Cao Phong bắt đầu thu hoạch vào giữ tháng 10.

  • Cam soàn

Cam soàn là giống cây ăn trái được trồng lâu đời ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cam soàn có đặc điểm là trái cam càng nhỏ thì vị càng ngọt thanh, có mùi thơm nhẹ. Tuy nhiên, dựa vào từng vùng đất và từng độ tuổi mà cho những cây cam soàn có độ ngon ngọt khác nhau.

  1. Các bộ phận dùng của cam

Bộ phận dùng quan trọng nhất của loài cam là quả cam. Nước cam vắt có giá trị dinh dưỡng cao dùng để bồi bổ và làm mát cơ thể. Ngoài ra vỏ quả, hoa và lá cam đều có chứa lượng tinh dầu lớn nên để cất tinh dầu dùng để làm thơm, xua đuổi côn trùng…[2]

Cam được sử dụng nhiều, không chỉ phần thịt quả để chế biến vì có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là vitamin C mà còn có khả năng tận dụng phần vỏ quả trong sản xuất các sản phẩm chức năng do sự hiện diện với hàm lượng cao của các hợp chất có hoạt tính sinh học [3].

  1. Thành phần hóa học và tác dụng của nước cam

Ngoài việc là một một loại thực phẩm được yêu thích, cam còn được chứng minh là chứa nhiều thành phầm có tác dụng quan trọng đối với sức khỏe con người như các hoạt chất: vitamin C, carotenoid, acid folic, flavonoid, limonoid, kali, chất xơ hòa tan chất lượng cao và các chất khác [15].

Hàm lượng vitamin C chiếm 15 – 20% tổng số các chất kháng oxy hóa trong cam tuy nhiên cam cũng chưa nhiều hợp chất khác có khả năng chống oxy hóa cao gấp 6 lần vitamin C đặc biệt là hesperidin. Hesperidin là một chất thuộc nhóm polyphenol flavonoid, có nhiều trong lớp vỏ quả và dịch nước ép của quả cam.

  • Vitamin C: cần cho sự tạo thành colagen, tu sửa mô trong cơ thể và tham gia trong một số phản ứng oxy hóa – khử. Vitamin C tham gia trong chuyển hóa phenylalamin, tyrosin, acid folic, norepinephrin, histamin, sắt, và một số hệ thống enzym chuyển hóa thuốc, trong sử dụng carbohydrat, trong tổng hợp lipid và protein, trong chức năng miễn dịch, trong đề kháng với nhiễm khuẩn, trong giữ gìn sự toàn vẹn của mạch máu và trong hô hấp tế bào [27].
  • Flavonoid: Hesperidin là thành phần flavonoid chính trong cam, có tác dụng kết dính tiểu cầu, tăng tính thấm thành mạch, chống viêm [20]. Tác dụng này quan trọng vì nó giúp thành mạch thêm bền vững hơn, chống lại các rối loạn mạch máu như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, viêm tĩnh mạch gây tê đau tay chân và trĩ [27]. Ngoài ra Hesperidin còn góp phần làm giảm các triệu chứng các bệnh về não như Alzheimer, Parkinson,…[11]

Tổng quan các flavonoid có trong nước cam

Các flavonoid là hợp chất chính và có nhiều trong vỏ quả hay nước quả của các loài Citrus [5]. Trong đó, hesperidin được xác định là flavonoid đặc trưng cho họ cam quýt. Ngoài ra một số flavonoid khác cũng được tìm thấy trong cam như naringin, narirutin, neohesperidin. Ở một số nghiên cứu khác, quercetin cũng được xác định là có mặt trong nước cam dưới dạng rutin mặc dù đây là flavonoid đặc trưng của loài bưởi [10].

Các hoạt chất flavonoid trong cam là chất chống oxy mạnh. Khả năng chống oxy hóa được quyết định bởi sự có mặt của các nhóm hydroxyl ở trị ví 3,5; cấu trúc o dihydroxy ở vòng B và liên kết đôi 2,3 liên hợp với nhóm 4 – oxo [14].

Flavonoid là gì? Flavonoid bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp có thật không…

Hình 1. Cấu trúc chung của các Flavonoid

5.1. Hesperidin

  • Tính chất lý hóa

Hesperidin (C28H34Oıs, M = 610,6 đvC) là một dẫn xuất disacarit có cấu trúc của hesperitin được thay thế bởi 6-O-(a-L-rhamnopyranosyl)-B-D-glucopyranosyl ở vị trí số 7 thông qua liên kết glycosid (Hình 2). Đây là flavonoid đặc trưng trong quả của họ cam quýt. [23]

Hesperidin – Wikipedia tiếng Việt

Hình 2. Cấu trúc phân tử của Hesperidin

Hesperidin có thể tồn tại ở dạng kết tinh, dạng hình kim hoặc khối tinh thể hình cầu trong tế bào, có màu vàng hoặc vàng nhạt. Hesperidin dễ hòa tan trong kiềm loãng và trong pyridin tạo ra dung dịch màu vàng trong, ít tan trong methanol và hầu như không tan trong aceton, benzen, cloroform. Hesperidin có độ hòa tan trong nước thấp. Nó có đặc tính tạo thành các tinh thể phức tạp với các glucoside tương tự khác, điều này gây ảnh hưởng lớn đến độ hòa tan và các tính chất vật lý của nó [13].

  • Tác dụng dược lý

Hesperidin đã được ứng dụng vào điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh tật từ lâu. Đây là một flavnoid nổi trội trong cam có hoạt tính sinh học cao, luôn được tìm thấy cùng với vitamin C. Hesperidin được coi là thành phần thiết yếu trong điều chỉnh, cải thiện tính thấm của thành mạch và tính toàn vẹn của lớp lót mao mao mạch [17]. Một số tác dụng của hesperidin đã được nghiên cứu như sau:

  • Giảm phù nề sưng tấy

Hesperidin được bổ sung giúp làm giảm phù nề hoặc sưng tấy quá mức ở chân do ứ dịch. Hesperidin cho hoạt lực tối đa khi dùng đồng thời cùng với vitamin C [17].

  • Chống viêm

Hesperidin làm giảm chất trung gian gây viêm như cytokine, enzyme và các phân tử bám dính, từ đó hoạt chất cho tác dụng chống viêm. Cơ chế chống viêm có liên quan đến các con đường truyền tính hiệu tế bào khác nhau như AP-1 và HIF-10, đặc biệt là con đường NF-kB [20].

  • Hạ huyết áp

Hesperidin trong nước cam làm giảm huyết áp tâm thu và chỉ số PP (Pulse Pressure – độ chênh lệch giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu). Sử dụng lâu dài nước cam giàu hesperidin giúp tăng cường phản ứng giảm huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và PP sau bữa ăn. Ngoài ra, còn có tác dụng làm giảm homocystein, acid uric và dấu hiệu viêm toàn thân [21].

  • Bảo vệ tế bào cơ tim trong tổn thương thiếu máu – tái tưới máu

Hesperidin là chất tiềm năng bảo vệ tế bào cơ tim chống lại tổn thương do thiếu máu – tái tưới máu cơ tim hướng đích ti thể. Tại Hội nghị khoa học Quốc gia lần thứ 4, các nhà nghiên cứu đã công bố tác dụng bảo vệ tế bào cơ tim chuột H9C2 chống lại tổn thương TMTTM in vitro thông qua việc duy trì ổn định cấu trúc ti thể. Kết quả này sẽ là tiền đề cho các phân tích cơ chế phân tử như đánh giá biểu hiện gen tham gia điều hòa ti thể của Hesperidin trong tổn thương TMTTM [6].

  • Bảo vệ dạ dày do rượu

Nước cam hoặc chiết xuất nước cam và hesperidin đều có tác dụng bảo vệ đáng kể chống lại mọi tổn thương dạ dày do sử dụng ethanol ở chuột [18].

5.2. Naringin

  • Tính chất lý hóa

Naringin (C27H32O14, M=580,5 đvC) là một dẫn xuất disacarit có (S)-naringenin được thay thế bởi 2-O-(a-L-rhamnopyranosyl)-B-D-glucopyranosyl ở vị trí số 7 thông qua liên kết glycosid (Hình 3). Naringin được tìm thấy trong nho và trái cây họ cam quýt. Nó cho vị đắng đặc trưng của nước ép cam. Naringin và narigetin đều là chất chống oxy hóa mạnh, tuy nhiên naringin có tính chống oxy hóa kém hơn so với naringetin vì gốc đường trong không gian cấu trúc phân tử gây cản trở [24].

Naringin – Wikipedia tiếng Việt

Hình 3. Cấu trúc phân tử của Naringin

Naringin hơi tan trong nước, trong đường tiêu hóa naringin chuyển hóa thành aglycon naringenin ở ruột và được hấp thu. Naringin có nhiệt độ nóng chảy là 83°C. Độ hòa tan 1mg/mL ở 40°C. Theo thứ tự độ hòa tan, naringin tan trong methanol, ethyl acetat, n-buthanol, isopropanol, ete dầu hỏa và n-hexan. Phức hợp naringin tan trong nước gấp 15 so với naringin tự do ở nhiệt độ 37 ± 0,1°C [19].

  • Tác dụng dược lý

Naringin có vai trò như là một chất chuyển hóa có khả năng chống ung thư và chống viêm [20].

  • Tác dụng đối với bệnh nhân béo phì [7]

Naringin thúc đẩy sự biểu hiện gen và bài tiết protein adiponectin từ tế bào adiponetin 3T3-L1, từ đó làm tăng cường chuyển hóa chất béo ở mô mỡ, tăng cường “đốt cháy” mỡ để chuyển hóa thành năng lượng.

  • Tác dụng làm giảm mỡ máu [7]

Tăng lipid máu là biến chứng chủ chốt của béo phì và một số bệnh rối loạn trao đổi chất. Naringin được chứng minh có tác dụng làm giảm lipid huyết tương trong thử nghiệm mô hình tăng lipid máu và béo phì trên động vật. Tác dụng làm giảm cholesterol của naringin đã được quan sát ở chuột bị loại bỏ thụ thể LDL. Trong một số thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân mỡ máu cao, khi bổ sung naringin 400mg làm giảm tổng triglyceride và nồng độ LDL-cholesterol còn HDL-cholesterol không bị ảnh hưởng.

  • Tác dụng hạ huyết áp [7]

Naringin có khả năng cải thiện tình trạng tăng huyết áp ở bệnh nhân béo phì nhờ tác dụng làm giãn mạch, làm tăng sản xuất chất chuyển hóa NO trong nước tiểu, cải thiện chức năng nội mô, làm tăng sinh và di chuyển của các tế bào cơ trơn mạch máu – đây là điều kiện quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của chứng xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

  • Tác dụng đối với tăng đường huyết và bệnh tiểu đường [7]

Tác dụng hạ đường huyết của naringin đã được chứng minh. Naringin kết hợp với vitamin C giúp cải thiện bệnh tiểu đường bằng cách cải thiện nồng độ insulin và ngăn ngừa stress oxy hóa. Hoạt chất này cũng cho thấy tăng cường sửa chữa cấu trúc tuyến tụy với hàm lượng cao.

  • Chống viêm [7]

Đã có chứng minh cho thấy narigin có tác dụng chống viêm. Naringin làm giảm giải phóng TNF và cải thiện tổn thương gan. Gần đây nhất, đã có những nghiên cứu báo cáo về naringin cho tác dụng ức chế gia tăng biểu hiện NF-kB do nồng độ glucose tăng cao và sự điều chỉnh làm giảm biểu hiện của các chất trung gian gây viêm như TNF-a, COX-2 và NO synthase.

5.3. Neohesperidin

  • Tinh chất lý hóa

Neohesperidin (C28H23O15, M = 610,6 g/mol) là một đồng phân của hesperidin có tên khác là hesperetin-7-neohesperidoside hay hesperetin-7-O-neohesperidoside (Hình 4). Neohesperidin đã được xác định có mặt trong quả của họ cam quýt như Citrus reticulata, Citrus deliciosa [25].

Neohesperidin Dihydrochalcone tốt nhất, Chất làm ngọt tự nhiên Nhà máy sản xuất bột Neohesperidin Dihydrochalcone Nhà máy - Chất lượng cao - Thiểm Tây NHK Technology Co., Ltd

Hình 4. Cấu trúc phân tử của Neohesperidin

Neohesperidin dihydrochalcone (NHDC) là một chất tạo ngọt tự nhiên và mang lại vị ngọt rất đậm. NHDC ngọt hơn 1500-1800 lần so với sucrose. Đây là chất tạo ngọt flavonoid có hoạt tính chống oxy hóa, có đặc tính ngọt cao, ngon, dư vị kéo dài, ít calo, không độc và ổn định tốt. Hiện tại, NHDC được phép sử dụng cho người như một chất làm ngọt hoặc một chất điều chỉnh hương vị.

NHDC bền với nhiệt độ cao và trong môi trường acid hoặc base, do đó có thể được sử dụng trong các ứng dụng yêu cầu thời hạn sử dụng lâu dài.

  • Tác dụng dược lý [9]

Trong ngành dược phẩm, neohesperidin hay được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm và nha khoa như kem đánh răng, các sản phẩm chăm sóc răng miệng.

  • Làm chất điều vị

NHDC có thể được sử dụng như một chất điều vị, làm giảm vị đắng của thuốc ở dạng viên nén trong lĩnh vực dược phẩm.

  • Chống viêm

NHDC có tác dụng bảo vệ quá trình chuyển hóa tế bào như khả năng ức chế đường truyền tín hiệu của yếu tố NF-kB và sự tổng hợp các các cytokine gây viêm như IL-6, IL-1ẞ và TNF-α.

5.4. Quercetin

  • Tính chất lý hóa

Quercetin (CisHoO7 M = 302,236 g/mol), là một pentahydroxyflavone có năm nhóm hydroxy được đặt ở vị trí 3, 3, 4’, 5 và 7 (Hình 5).

Quercetin – Wikipedia tiếng Việt

Hình 5. Cấu trúc phân tử của Quercetin

Quercetin là một flavonol phân bố rộng rãi trong các loài thực vật. Nó là một chất chống oxy hóa giống như nhiều hợp chất dị vòng phenolic khác. Các dạng glycosyl hóa của nó bao gồm có rutin và quercetrin. Đây là một trong những flavonoid có nhiều trong rau, trái cây và rượu vang, cũng đã có công bố tìm thấy quecertin trong nước cam [21].

Quercetin tồn tại dưới dạng tinh thể hình kim màu vàng hoặc bột màu vàng. Điểm nóng chảy ở 316°C. Quercetin hầu như không tan trong nước, tan tốt trong dung dịch kiềm và có vị đắng đặc trưng [24].

  • Tác dụng dược lý

Quercetin có vai trò như một chất kháng khuẩn, chất chống oxy hóa, ức chế men protein kinase, chất chống ung thư, chất chuyển hóa thực vật, phytoestrogen… [22]

  • Tác dụng kháng virus

Tác dụng kháng virus của quercetin đã được thử nghiệm trên người, kết quả cho thấy sử dụng quercetin trong thời gian ngắn cho hiệu quả giảm khả năng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Sử dụng nguồn thực phẩm có hàm lượng quercetin cao là làm tăng hiệu quả phòng ngừa các bệnh liên quan đến virus, tăng cường miễn dịch, giảm stress [12].

  • Tác dụng có lợi đối với béo phì và bệnh tiểu đường

Béo phì là yếu tố ảnh hưởng chính đến sự phát triển của đái tháo đường tuýp 2. Quercetin cải thiện kiểm soát đường huyết là khả năng làm giảm hấp thu glucose ở ruột và làm tăng tiết insulin. Đồng thời với đó, quercetin làm giảm hàm lượng triglycerol máu, tăng chuyển hóa mỡ từ đó giúp có lợi cho tình trạng béo phì [8].

  • Acid folic: Acid folic là thành phần quan trọng trong cấu tạo tế bào hồng cầu. Sự thiếu hụt acid folic có thể dẫn đến thiếu máu. Acid folic sau khi bị khử thành tetrahydrofolat, là chất có mặt trong nhiều quá trình chuyển hóa trong đó có tổng hợp nucleotid có nhân purin hoặc pyrimidin; do vậy ảnh hưởng đến tổng hợp DNA [28].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Văn Hòa, Phan Thị Xuân Thủy (2010), Cải thiện màu sắc và phẩm chất trái cam soàn (citrus sinensis (L.) Cv. Soan) bằng biện pháp xử lý hóa chất trước thu hoạch, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, (16a), 178-187.
  2. N. Văn Lợi, N. Thị Minh Tú, H. Đình Hòa (2012), Nghiên cứu tách chiết và xác định hoạt tinh sinh học của các thành phần tạo hương trong tinh dầu vỏ bưởi và vỏ cam của Việt Nam, Tạp chí khoa học và công nghệ, 51, số 2, 153-162.
  3. Tô Nguyễn Phước Mai, Văn Mười Nguyễn, and Thành Thái Mai, (2022), Tinh chất hóa lý và các hợp chất sinh học của quả cam sành được trồng tại Vĩnh Long, The physicochemical properties and bioactive compounds of Sanh orange (Citrus nobilis L. Osbeck) cultivated in Vinh Long province.
  4. Nguyễn Bá Phú, Nguyễn Quốc Sĩ, Nguyễn Bảo Vệ (2021), Đặc tính hình thái thực vật của cây cam Soàn (Citrus sinensis (L.) cv. Soan) không hạt được phát hiện tại tỉnh Hậu Giang, Tạp chí khoa học và nông nghiệp Việt Nam, 1567-1575.
  5. TSKH. Trần Văn Thanh, NCS. Trần Đức Hiệp (2022), Nghiên cứu những cây thuốc chi Citrus ở Việt Nam có flavonoid để sản xuất chế phẩm Citroflavonoid, Khoa học sức khỏe.
  6. Ngô Thị Hải Yến, Hồ Lý Phương, Nguyễn Thị Hà Ly, Phạm Thị Bích, Vũ Thị Thu (2020), Đánh giá khả năng bảo vệ của Hesperidin đối với tế bào có tim H9C2 trong tổn thương thiếu máu-tải tưới máu in vitro, Viện hàn lâm và khoa học công nghệ Việt Nam.

Tiếng Anh

  1. Alam, M. A., Subhan, N., Rahman, M. M., Uddin, S. J., Reza, H. M., & Sarker, S. D. (2014), Effect of Citrus Flavonoids, Naringin and Naringenin, on Metabolic Syndrome and Their Mechanisms of Action. Advances in Nutrition, 5(4), 404-417.
  2. Aguirre, L., Arias, N., Teresa Macarulla, M., Gracia, A., & P Portillo, M. (2011), Beneficial effects of quercetin on obesity and diabetes. The Open Nutraceuticals Journal, 4(1).
  3. Borrego, F., & Montijano, H. (2001), Neohesperidin dihydrochalcone, Food science and Technology New York Marcel, 87-104.
  4. Bronner W. E., & Beecher G.R. (1995), Extraction and measurement of prominent flavonoids in orange and grapefruit juice concentrates, Journal of Chromatography A, 705(2), 247-256.
  5. Cho, J. (2006), Antioxidant and neuroprotective effects of hesperidin and its aglycone hesperetin, Archives of pharmacal research, 29, 699-706.
  6. Davis JM, Murphy EA, McClellan JL, Carmichael MD, Gangemi JD (2008), Quercetin reduces susceptibility to influenza infection following stressful exercise, AJP Regulatory Integrative and Comparative Physiology, 295(2), 505- 509.
  7. Garg, A., Garg, S., Zaneveld, L. J. D., & Singla, A. K. (2001), Chemistry and pharmacology of the citrus bioflavonoid hesperidin, Phytotherapy Research, 15(8), 655-669.
  8. Gattuso G., Barreca D., Gargiulli C., Leuzzi U., & Caristi C. (2007), Flavonoid Composition of Citrus Juices. Molecules, 12(8), 1641-1673.
  9. Ghafar M.F.A., Prasad K.N., Kin Weng K., Ismail A. (2010), Flavonoid, hesperidine, total phenolic contents and antioxidant activities from Citrus species, African J. Biotechnol, 9, 326-330.
  10. Hyman C. (2013), Oranges: A Global History. Reaktion Books.
  11. Morand, C., Dubray, C., Milenkovic, D., Lioger, D., Martin, J. F., Scalbert, A., & Mazur, A. (2011), Hesperidin contributes to the vascular protective effects of orange juice: a randomized crossover study in healthy volunteers. The American journal of clinical nutrition, 93(1), 73-80.
  12. Selmi, S., Rtibi, K., Grami, D., Sebai, H., & Marzouki, L. (2017), Protective effects of orange (Citrus sinensis L.) peel aqueous extract and hesperidin on oxidative stress and peptic ulcer induced by alcohol in rat. Lipids in health and disease, 16, 1-12.
  13. Shilpa V.S., Shams R., Dash K.K., Pandey V.K., Dar A.H., Ayaz Mukarram S., & Kovács B. (2023), Phytochemical Properties, Extraction, and Pharmacological Benefits of Naringin: A Review. Molecules, 28(15), 5623.
  14. Tejada S., Pinya S., Martorell M., Capó X., Tur J.A., Pons A., & Sureda A. (2017), Potential anti-inflammatory effects of hesperidin from the genus Citrus. Current Medicinal Chemistry, 24.
  15. Valls R. M., Pedret A., Calderón-Pérez L., Llauradó E., Pla-Pagà L., Companys J., Solà R. (2020). Effects of hesperidin in orange juice on blood and pulse pressures in mildly hypertensive individuals: a randomized controlled trial (Citrus study). European Journal of Nutrition, 60, 1277-1288.
  16. Waalkens-Berendsen, D. H., Kuilman-Wahls, M. E. M., & Bär, A. (2004), Embryotoxicity and teratogenicity study with neohesperidin dihydrochalcone in rats. Regulatory toxicology and pharmacology, 40(1), 74-79.

Internet

  1. https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/Hesperidin
  2. https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/ Naringin
  3. https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/ Neohesperidin
  4. https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/ Quercetin
  5. https://cdn.drugbank.vn/1555918613795 151(73).pdf
  6. https://ykhoaphuocan.vn/thuvien/duoc-thu/ Acid-folic
0941 058 855